Nhân khẩu Trung_Quốc

Bài chi tiết: Nhân khẩu Trung Quốc

Theo kết quả điều tra nhân khẩu toàn quốc năm 2010, dân số nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 1.370.536.875. Khoảng 16,60% dân số từ 14 tuổi trở xuống, 70,14% từ 15 đến 59 tuổi, và 13,26% từ 60 tuổi trở lên.[312] Do dân số đông và tài nguyên thiên nhiên suy giảm, chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến tốc độ tăng trưởng dân số, và từ năm 1978 họ đã nỗ lực tiến hành với kết quả khác nhau,[313] nhằm thi hành một chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt được gọi là "chính sách một con." Trước năm 2013, chính sách này tìm cách hạn chế mỗi gia đình có một con, ngoại trừ các dân tộc thiểu số và linh hoạt nhất định tại các khu vực nông thôn. Một nới lỏng lớn về chính sách được han hành vào tháng 12 năm 2013, cho phép các gia đình có hai con nếu một trong song thân là con một.[314] Dữ liệu từ điều tra nhân khẩu năm 2010 cho thấy rằng tổng tỷ suất sinh là khoảng 1,4.[315] Chính sách một con cùng với truyền thống trọng nam có thể góp phần vào mất cân bằng về tỷ suất giới tính khi sinh.[316][317] Theo điều tra nhân khẩu năm 2010, tỷ suất giới tính khi sinh là 118,06 nam/100 nữ,[318] cao hơn mức thông thường là khoảng 105 nam/100 nữ.[319] Kết quả điều tra nhân khẩu vào năm 2013 cho thấy nam giới chiếm 51,27% tổng dân số.[320] trong khi con số này vào năm 1953 là 51,82%.[320]

Tranh mô tả một nữ giới trong trang phục thời Đường.

Trung Quốc chính thức công nhận 56 dân tộc riêng biệt, dân tộc đông dân nhất là người Hán, chiếm khoảng 91,51% tổng dân số.[12] Người Hán là dân tộc đơn lẻ lớn nhất trên thế giới,[321], chiếm thiểu số tại Tây Tạng và Tân Cương và đông hơn các dân tộc khác tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại.[322] Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8,49% tổng dân số Trung Quốc theo kết quả điều tra nhân khẩu năm 2010.[12] So với điều tra nhân khẩu năm 2000, dân số người Hán tăng 66.537.177, hay 5,74%, trong khi tổng dân số của 55 dân tộc thiểu số tăng 7.362.627, hay 6,92%.[12] Điều tra nhân khẩu năm 2010 cho thấy có 593.832 công dân ngoại quốc cư trú tại Trung Quốc, các nhóm lớn nhất đến từ Hàn Quốc (120.750), Hoa Kỳ (71.493) và Nhật Bản (66.159).[323]

Trung Quốc có 292 ngôn ngữ đang tồn tại.[324] Các ngôn ngữ phổ biến nhất thuộc nhánh Hán của ngữ hệ Hán-Tạng, gồm có Quan thoại (bản ngữ của 70% dân số),[325] và các ngôn ngữ Hán khác: Ngô, Việt (hay Quảng Đông), Mân, Tương, Cám, và Khách Gia. Các ngôn ngữ thuộc nhánh Tạng-Miến như Tạng, Khương, Lô Lô được nói trên khắp cao nguyên Thanh TạngVân Quý. Các ngôn ngữ thiểu số khác tại tây nam Trung Quốc gồm các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Tai-Kadai như tiếng Tráng, H'Mông-MiềnNam Á. Tại khu vực đông bắc và tây bắc của Trung Quốc, các dân tộc thiểu số nói các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Altai như tiếng Mông Cổngữ hệ Turk như tiếng Duy Ngô Nhĩ. Tiếng Triều Tiên là bản ngữ tại một số khu vực sát biên giới với Bắc Triều Tiên, và tiếng Sarikoli của người Tajik ở miền tây Tân Cương là một ngữ hệ Ấn-Âu.

Tiếng phổ thông là một dạng của Quan thoại dựa trên phương ngôn Bắc Kinh, là quốc ngữ chính thức của Trung Quốc và được sử dụng làm một ngôn ngữ thông dụng trong nước giữa những cá nhân có bối cảnh ngôn ngữ khác biệt.[326] Chữ Hán được sử dụng làm văn tự cho các ngôn ngữ Hán từ hàng nghìn năm, tạo điều kiện cho người nói các ngôn ngữ và phương ngôn Hán không hiểu lẫn nhau có thể giao tiếp thông qua văn tự. Năm 1956, Chính phủ Trung Quốc đưa ra chữ giản thể, thay thế cho chữ phồn thể. Chữ Hán được Latin hóa bằng hệ thống bính âm. Tiếng Tạng sử dụng chữ viết dựa trên mẫu tự Ấn Độ, các dân tộc Hồi giáo tại Trung Quốc thường sử dụng mẫu tự Ba Tư-Ả Rập, còn tiếng Mông Cổ tại Trung Quốc và tiếng Mãn sử dụng chữ viết bắt nguồn từ mẫu tự Duy Ngô Nhĩ cổ.

Trong hàng thiên niên kỷ, văn minh Trung Hoa chịu ảnh hưởng từ nhiều phong trào tôn giáo khác nhau, Tam giáo Trung Hoa bao gồm Nho giáo, Phật giáoĐạo giáo trên phương diện lịch sử có tác động quan trọng trong việc định hình văn hóa Trung Hoa.[327][328] Các yếu tố của Tam giáo thường được kết hợp vào các truyền thống tôn giáo quần chúng hoặc dân gian.[329] Hiến pháp Trung Quốc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, song các tổ chức tôn giáo không được chính thức chấp thuận có thể phải chịu bách hại ở quy mô quốc gia.[330] Ước tính về nhân khẩu tôn giáo tại Trung Quốc có sự khác biệt. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy 31,4% người Trung Quốc trên 16 tuổi là tín đồ tôn giáo,[331] một nghiên cứu vào năm 2006 thì cho thấy 46% dân số Trung Quốc là tín đồ tôn giáo.[332] Một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy các cá nhân tự xác định là tín đồ Phật giáo chiếm 11–16% dân số trưởng thành tại Trung Quốc, trong khi tín đồ Cơ Đốc giáo chiếm khoảng 3–4%, và tín đồ Hồi giáo chiếm khoảng 1%.[333]

Trung Quốc trải qua đô thị hóa đáng kể trong các thập niên vừa qua. Tỷ lệ dân số trong các khu vực đô thị tăng từ 20% vào năm 1990 lên 46% vào năm 2007.[334] và dân số đô thị của Trung Quốc được dự tính đạt một tỷ vào năm 2030.[335] Năm 2012, có trên 262 triệu công nhân di cư tại Trung Quốc.[336] Trung Quốc có trên 160 thành phố có dân số [đô thị] trên một triệu,[337] trong đó có bảy siêu đô thị (dân số hành chính trên 10 triệu) là Trùng Khánh, Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thiên Tân, Thâm Quyến, và Vũ Hán.[338][339][340] Đến năm 2025, ước tính Trung Quốc sẽ có 221 thành phố có trên một triệu dân cư [đô thị].[335]

Giáo dục

Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh nằm trong số các đại học hàng đầu tại Trung Quốc[341]

Kể từ năm 1986, giáo dục bắt buộc tại Trung Quốc bao gồm tiểu học và trung học cơ sở, tổng cộng kéo dài trong chín năm.[342] Năm 2010, khoảng 82,5% học sinh tiếp tục học tập tại cấp trung học phổ thông kéo dài trong ba năm.[343] Cao khảo là kỳ thi đầu vào đại học toàn quốc tại Trung Quốc, là điều kiện tiên quyết để nhập học trong hầu hết các cơ sở giáo dục bậc đại học. Năm 2010, 27% học sinh tốt nghiệp trung học tiếp tục theo học giáo dục đại học.[344]

Trong tháng 2 năm 2006, chính phủ cam kết cung cấp giáo dục chín năm hoàn toàn miễn phí, bao gồm sách giáo khoa và các loại phí.[345] Đầu tư cho giáo dục hàng năm nâng từ dưới 50 tỷ USD trong năm 2003 lên trên 250 tỷ USD trong năm 2011.[346] Tuy nhiên, vẫn còn bất bình đẳng trong chi tiêu giáo dục; như trong năm 2010, chi tiêu giáo dục trung bình cho một học sinh trung học cơ sở tại Bắc Kinh là 20.023 NDT, trong khi tại Quý Châu là 3.204 NDT.[347]

Tính đến năm 2010[cập nhật], 94% dân số trên 15 tuổi biết đọc biết viết,[348] so với 20% vào năm 1950.[349]

Y tế

Bộ Y tế cùng sở y tế cấp tỉnh giám sát nhu cầu y tế của dân cư Trung Quốc.[350] Đặc điểm của chính sách y tế Trung Quốc kể từ đầu thập niên 1950 là tập trung vào y học công cộng và y học dự phòng. Đương thời, Đảng Cộng sản bắt đầu Chiến dịch y tế ái quốc nhằm cải thiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, cũng như điều trị và ngăn ngừa một số bệnh. Các bệnh hoành hành tại Trung Quốc khi trước như tả, thương hàntinh hồng nhiệt gần như bị tiệt trừ trong chiến dịch này. Sau khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu thi hành cải cách kinh tế vào năm 1978, tình hình y tế của quần chúng Trung Quốc được cải thiện nhanh chóng do dinh dưỡng tốt hơn, song nhiều dịch vụ y tế công cộng miễn phí tại khu vực nông thôn biến mất cùng với các công xã nhân dân. Chăm sóc y tế tại Trung Quốc bị tư nhân hóa phần lớn, và có sự gia tăng đáng kể về chất lượng. Năm 2009, chính phủ bắt đầu một sáng kiến cung cấp chăm sóc y tế quy mô lớn kéo dài trong 3 năm trị giá 124 tỷ USD.[351] Đến năm 2011, chiến dịch đạt kết quả 95% dân số Trung Quốc có bảo hiểm y tế cơ bản.[352] Năm 2011, Trung Quốc được ước tính là nước cung cấp dược phẩm lớn thứ ba thế giới, song dân cư Trung Quốc phải chịu tổn hại từ việc phát triển và phân phối các dược phẩm giả.[353]

Tuổi thọ dự tính khi sinh tại Trung Quốc là 75 năm,[354] và tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh là 11‰ vào năm 2013.[355] Cả hai chỉ số đều được cải thiện đáng kể so với thập niên 1950.[lower-alpha 13] Tỷ lệ còi cọc bắt nguồn từ thiếu dinh dưỡng giảm từ 33,1% vào năm 1990 xuống 9,9% vào năm 2010.[358] Mặc dù có các cải thiện đáng kể về y tế và kiến thiết cơ sở y tế tiến bộ, song Trung Quốc có một số vấn đề y tế công cộng mới nổi, như các bệnh về đường hô hấp do ô nhiễm không khí trên quy mô rộng,[359] hàng trăm triệu người hút thuốc lá,[360] và sự gia tăng béo phì trong các dân cư trẻ tại đô thị.[361][362] Dân số lớn và các thành phố đông đúc dẫn đến bùng phát các dịch bệnh nghiêm trọng trong thời gian gần đây, như bùng phát SARS vào năm 2003.[363] Năm 2010, ô nhiễm không khí khiến cho 1,2 triệu người chết sớm tại Trung Quốc.[364]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trung_Quốc http://www.environment.gov.au/soe/2001/publication... http://en.ce.cn/National/Rural/200602/21/t20060221... http://www.china.com.cn/xxsb/txt/2005-10/10/conten... http://europe.chinadaily.com.cn/epaper/2013-07/05/... http://www.chinadaily.com.cn/2010-03/03/content_95... http://www.chinadaily.com.cn/bizchina/2008-11/21/c... http://www.chinadaily.com.cn/bizchina/2013-01/18/c... http://www.chinadaily.com.cn/china/2008-01/11/cont... http://www.chinadaily.com.cn/china/2011-08/08/cont... http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-07/11/con...